Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 63
  • Trong tuần: 480
  • Tất cả: 77913
Những điều cần biết về sôt xuất huyết.

Mùa mưa đã đến, những cơn mưa làm cho khí hậu bớt nóng khiến mọi người cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên mùa mưa cũng là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết cũng theo đó mà bùng phát nhiều hơn.

Bệnh sốt xuất huyết là gì? Đó là một bệnh nhiễm trùng do virus Dengue gây ra. Nó gây ra sốt, xuất huyết, truỵ tim mạch và có thể tử vong nếu không xử trí kịp thời và đúng đắn.

Bệnh sốt xuất huyết được lây truyền từ người bệnh sang người lành bởi con muỗi vằn Aedes aegypty. Muỗi thường sống xung quanh nhà. Muỗi cái thường hút máu người bệnh vào ban ngày và chích vào người lành làm lây lan bệnh.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, nhất là từ 2 – 9 tuổi. Tuy nhiên ngày nay cũng thường thấy bệnh xảy ra ở cả người lớn nữa!

Các dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết:

- Sốt cao đột ngột kèm theo đau nhức mình mẩy, nhức đầu, đau khớp, chán ăn, ói mửa, đau họng.

- Đau bụng vùng thượng vị (vùng bụng ở ngay dưới mũi xương ức), hoặc đau vùng dưới bờ sườn bên phải. Nếu sờ dưới bờ sườn phải có thể thấy gan to.

- Có thể kèm theo co giật khi sốt cao.

- Nổi các nốt xuất huyết dưới da, là các điểm xuất huyết li ti. Nếu dùng dây garot thắt cánh tay khoảng 5 – 10 phút thì sẽ thấy xuất hiện các nốt xuất huyết rất nhiều, có khi tạo thành mảng.

- Nếu bệnh nặng có thể xuất huyết đường tiêu hoá gây ói ra máu, tiêu ra máu.

- Nặng hơn nữa thì xuất huyết não, màng não dễ bị tử vong.

- Trạng thái sốc: thường rơi vào ngày sốt thứ 3 – 5. Bệnh nhân bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, tím tái, thở nhanh, mạch yếu có khi không bắt được, huyết áp hạ không đo được, huyết áp kẹp (là trị số giữa huyết áp tối đa và tối thiểu < 20mmHg).

Xử trí:

Khi có các dấu hiệu kể trên (chỉ cần thấy sốt cao và có nốt xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc), nên đem bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu thêm, thấy tiểu cầu giảm <100.000/mm3, dung tích hồng cầu (Hct) tăng nhiều do máu bị cô đặc.

Trong khi chờ đợi đi khám bệnh, cho bệnh nhân uống thật nhiều nước. Uống dung dịch ORS (bán nhiều ở các nhà thuốc tây) 1gói pha với 1 lít nước sạch,  uống kèm theo nước trái cây, nước dừa...

Bệnh nhân sốt cao có thể uống thuốc hạ nhiệt như Paracetamol nhưng chú ý không được dùng Aspyrine vì sẽ gây xuất huyết nặng hơn và dễ gây sốc.

Sốt xuất huyết nặng sẽ được điều trị ở bệnh viện và cho truyền dịch hoặc truyền máu để bù khối lượng tuần hoàn.

Sốt xuất huyết nhẹ sẽ được điều trị ngoại trú và cần nhập viện ngay nếu thấy bệnh nhân li bì, bứt rứt, đau bụng nhiều, nôn ói, tay chân lạnh, tiểu ít, nhiệt độ giảm đột ngột.

Đề phòng:

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết. Do đó, phòng bệnh vẫn là biện pháp chính để không bị sốt xuất huyết bằng cách:

- Vệ sinh ngoại cảnh: dọn dẹp bùn lầy, nước đọng, phát quang xung quanh nhà, thu dẹp các vật có nước đọng có thể làm nơi cho muỗi đẻ.

- Nuôi cá bảy màu ăn lăng quăng ở các bể chứa nước; các lu nước nên đậy nắp kín.

- Nhà cửa phải sáng sủa, thông thoáng, không treo nhiều quần áo trên vách nhà.

- Nên dùng cửa lưới để ngăn muỗi

- Dùng thuốc xịt muỗi để giết muỗi

- Ngủ mùng, thoa thuốc chống muỗi, đốt nhang đuổi muỗi.

Tóm lại sốt xuất huyết là một bệnh nguy hiểm và phổ biến lại chưa có thuốc chữa và thuốc ngừa. Vì vậy diệt muỗi và không để muỗi chích là biện pháp hữu hiệu nhất để tránh bệnh sốt xuất huyết.

BS NGUYỄN ĐÌNH SANG

Tin liên quan
Bản quyền thuộc Trường Mầm non Hoa Cúc
Chịu trách nhiệm: Hiệu trưởng Đồng Thị Huệ
Điện thoại: 02713 887 339
Địa chỉ: Khu phố Phú Thanh - phường Tân Phú - TP Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước.